Các bà nội trợ bận rộn thường làm nhiều món một lúc rồi cất vào tủ lạnh ăn dần nhưng không phải ai cũng biết làm nóng thức ăn đúng cách đâu nhé.
Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh hoặc tủ đông là một trong những phương pháp tốt để ngăn ngừa thực phẩm bị hỏng hoặc mất chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu thức ăn không được hâm nóng đúng cách, chúng có thể trở thành nguồn gây ngộ độc thực phẩm.
Việc hâm nóng thức ăn thật kỹ ở nhiệt độ thích hợp sẽ giúp tiêu diệt những vi khuẩn nguy hiểm. Những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn hâm nóng thức ăn dễ dàng và an toàn hơn.
1. Hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng
Lò vi sóng ngoài chức năng nấu và rã đông thực phẩm còn có chức năng làm nóng thức ăn chỉ trong thời gian ngắn nên vô cùng tiện dụng. Đây là một trong những cách làm nóng món ăn nhanh và tiện lợi nhất. Tuy nhiên, muốn đảm bảo an toàn khi sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
- Đảm bảo rằng mọi dụng cụ đựng đồ ăn bạn cho vô lò vi sóng, dù làm bằng thủy tinh hay nhựa đều phải an toàn với lò vi sóng. Nếu không thì phải chuyển thức ăn hâm nóng từ các hộp đựng thực phẩm sang vật đựng có chất liệu phù hợp với lò vi sóng. Dùng màng bọc nhựa để bọc bề mặt của vật đựng, chú ý không bọc quá chặt tay.
- Cho thức ăn vào lò và bật chế độ hâm nóng ở nhiệt độ cao khoảng một phút rồi tắt bếp. Mở lò, dùng muỗng hoặc đũa để kiểm tra nhiệt độ của phần thức ăn nằm chính giữa vật đựng (có thể sử dụng nhiệt kế để biết chính xác hơn nhiệt độ ở khu vực này). Thông thường, nhiệt độ ở khu vực trung tâm của món ăn phải đạt mức tối thiểu là 75 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp, bạn nên dùng muỗng hoặc đũa để đảo đều thức ăn và tiếp tục nấu thêm khoảng 30 giây nữa. Sau đó, kiểm tra lại để đảm bảo món ăn đã đạt được hâm nóng với nhiệt độ thích hợp.
- Không đun nước hoặc các chất lỏng quá thời gian quy định của nhà sản xuất vì có thể gây ra hiện tượng quá nhiệt, nước sẽ bắn lên khi mở cửa lò.
- Mang găng tay hoặc dùng khăn để lấy hộp đựng thức ăn ra khỏi lò vì lúc này, cả vật đựng lẫn thức ăn đều rất nóng. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị bỏng.
2. Hâm nóng thức ăn bằng cách đun sôi
Kỹ thuật hâm nóng này được sử dụng cho những món ăn được giữ lạnh trong các túi nhựa có khóa kéo hoặc những hộp đựng thực phẩm có kích thước nhỏ. Việc hâm nóng sẽ được tiến hành như sau:
- Đổ nước vào ngập khoảng nửa chiếc nồi to. Đặt nồi lên bếp và bật lửa lớn để đun sôi nước.
- Cho các túi nhựa đựng thức ăn thừa (đã dán kín miệng túi) hoặc hộp đựng thức ăn vào trong nồi nước đang sôi và đun trong vòng từ 10 đến 15 phút. Chú ý nhẹ tay khi cho thức ăn vào nồi nước để nước sôi không bắn vào người.
- Sử dụng kẹp để lấy túi hoặc hộp đựng thức ăn ra ngoài, chờ khoảng 2 đến 5 phút cho nguội bớt thì trút thức ăn ra tô.
3. Hâm nóng thức ăn bằng lò nướng
Phương pháp hâm nóng thức ăn bằng lò nướng thường được sử dụng cho những món ăn đã được giữ lạnh trong tủ đông.
- Bật lò nướng để nóng đến khoảng 200 độ C. Cho thức ăn đã được đông lạnh vào khay nướng hoặc chiếc thố có độ sâu phù hợp và đặt chúng vào lò.
- Đun nóng thức ăn khoảng 10 phút rồi tắt lò nướng và kiểm tra lại nhiệt độ của thức ăn. Việc kiểm tra nhiệt độ có thể thực hiện thông qua những dụng cụ như đũa, muỗng, nĩa… nhưng tốt nhất bạn nên dùng nhiệt kế để biết chính xác nhiệt độ của thức ăn. Nhiệt độ cần thiết phải từ mức 75 độ C trở lên. Nếu thức ăn không đủ nóng, bạn cần cho chúng trở lại vào lò và tiếp tục hâm nóng thêm.
- Dùng găng tay để lấy khay nướng ra bên ngoài. Không che đậy thức ăn và nên dùng khi chúng vẫn còn nóng.
LIKE and Share bài viết này:
:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét